Tác giả: Matthew Duncombe, phó giáo sư triết học, Đại học Nottingham
Các triết gia Hy Lạp cổ đại sử dụng nghịch lý vì nhiều lý do, từ việc rèn luyện kỹ năng biện chứng, suy nghĩ ‘đối đầu với triết học’ để thấy những điều vô nghĩa, cho đến việc nghiên cứu triết học nghiêm túc – nhưng cũng vì mục đích giải trí.
Một số nghịch lý ‘gây chết người’. Bia mộ của Philetas xứ Cos cho biết, ông đã chết vì bị dằn vặt bởi “nghịch lý kẻ nói dối”. Và theo một người viết tiểu sử, Diodorus Cronus đã tự tử vào năm 284 trước công nguyên sau khi không giải được một nghịch lý do nhà triết học Stilpo xứ Megara đặt ra.
Những câu chuyện này thật kỳ quặc, nhưng chúng chỉ ra một điều thực sự điên rồ về nghịch lý: Không thể có một giải pháp duy nhất, rõ ràng. Đôi khi không có giải pháp tốt. Đôi khi có quá nhiều giải pháp tốt. Nghịch lý chỉ ra những trục trặc hoặc lỗi về mặt khái niệm. Cách sửa những lỗi này, hoặc liệu chúng có thể được sửa hay không, hiếm khi rõ ràng.
Ba nghịch lý sau đây là một số ví dụ nổi tiếng nhất từ thời Hy Lạp cổ đại.
1. Nghịch lý kẻ nói dối
“Câu này sai” (“This sentence is false”). Các nhà triết học gọi đó là “câu nói dối” (“liar sentence”).
Nó có đúng không?
Nếu bạn nói “vâng, câu nói dối là đúng”, thì mọi thứ vẫn như vậy – nhưng bản thân câu nói dối lại nói rằng ‘nó sai’.
Mặt khác, giả sử bạn nói “không, câu nói dối là sai”. Điều này có nghĩa là mọi thứ không như ‘câu nói dối’ nói. Nhưng đây chính xác là những gì ‘nó nói’, vì vậy theo nghĩa này thì câu nói dối là đúng.
Tóm lại, có lý do chính đáng để nói rằng, câu này vừa đúng vừa sai. Tuy nhiên, không có câu nào có thể vừa đúng vừa sai.
Nghịch lý này được triết gia Hy Lạp cổ đại Eubulides xứ Miletus, người nổi tiếng với ‘những nghịch lý triết học’, phát minh ra vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Công thức của riêng ông đã bị thất lạc, và những gì tôi đưa ra ở đây chỉ là bản phục dựng.
Nghịch lý kẻ nói dối khiến chúng ta xa lánh những khái niệm thường ngày như sự thật, sự dối trá và ngôn ngữ tự tham chiếu (self-referential language).
Nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về ý tưởng, được giả định bởi phép biện chứng hỏi-đáp (đối thoại giữa những người có quan điểm khác nhau về một chủ đề), rằng mọi câu hỏi đều có thể được trả lời là “có” hoặc “không”. Có vẻ như có những lý do chính đáng để trả lời cả “có” và “không” cho một số câu hỏi.
Một số nhà triết học đã kết luận rằng, điều này có nghĩa là cả “có” và “không” đều là câu trả lời tốt cho câu hỏi “câu nói dối có đúng không”?
Họ gọi đây là sự “thừa thãi” về những câu trả lời tốt (a “glut” of good answers). Để áp dụng nghịch lý nói dối vào cuộc sống, khi bạn hỏi hoặc được hỏi những câu hỏi, hãy tự hỏi: Có nhiều hơn một câu trả lời đúng không?
2. Nghịch lý sừng (The horns paradox)
Bạn đã mất sừng chưa? Nếu câu trả lời “có”, bạn hẳn đã có sừng nhưng giờ đã mất. Nếu bạn trả lời “không”, thì bạn có sừng mà chưa mất. Dù bạn trả lời theo cách nào, bạn cũng cho rằng bạn đã có sừng – nhưng điều đó rõ ràng là sai.
Câu hỏi là một phần quan trọng của triết học. Nhưng chúng cũng là ‘chìa khóa’ để chúng ta có được thông tin từ người khác. Nghịch lý kẻ nói dối nhấn mạnh rằng, một số câu hỏi có nhiều hơn một câu trả lời đúng. Nghịch lý sừng nhấn mạnh một vấn đề khác – câu hỏi có những ‘giả định trước’ (presuppositions).
Nếu tôi hỏi “bạn đã ngừng ăn thịt chưa”? thì tôi cho rằng bạn không còn ăn thịt nữa, nhưng bạn đã từng ăn. Những câu hỏi này có vẻ – như phải có câu trả lời “có” hoặc “không”, nhưng thực tế có một ‘khoảng trống’ vì chúng ta có thể ‘phủ nhận’ giả định.
Khi bạn đặt câu hỏi hoặc được hỏi ‘câu hỏi’, trước tiên hãy tự hỏi: Điều gì đang được giả định?
Xem thêm: Nghịch lý Theseus: Thí nghiệm tư duy hấp dẫn cho đến ngày nay
3. Nghịch lý sorites
Đây là 10.000 hạt cát (grains of sand). Tôi có ‘một đống’ không? Có chứ, tất nhiên rồi. Tôi loại bỏ một hạt, nên bây giờ tôi có 9.999 hạt. Tôi có một đống không? Có chứ. Tôi loại bỏ thêm một hạt nữa nên tôi có 9.998 hạt. Tôi có một đống không? Có chứ.
Việc mất đi một hạt không ảnh hưởng đến việc tôi có một đống hay không. Nhưng nếu nhắc lại điều này thêm 9.997 lần nữa, lúc đó tôi chỉ có một hạt. Đó phải là một đống, tất nhiên là không phải. Đúng không!
Bạn có thể lập luận rằng, một hạt là một đống, và rằng nó không phải. Nhưng không có gì có thể vừa là một đống vừa không phải là một đống.
Một trong những tác phẩm thành công nhất của Eubulides, sorites (the “heaper”), sử dụng một đống như một ví dụ. Nhưng nó cũng chất đống câu hỏi này lên câu hỏi khác.
Nghịch lý này thách thức chúng ta vì một số ‘khái niệm mờ’. Khi chúng ta đưa những ‘khái niệm mờ’ này vào phép biện chứng hỏi-đáp, sẽ có những câu trả lời ‘có hoặc không’ rõ ràng ở đầu và cuối ‘chuỗi’ hỏi đáp. Mười nghìn hạt rõ ràng là một đống và một hạt rõ ràng không phải. Nhưng không có câu trả lời ‘có hoặc không’ rõ ràng cho một số ‘vùng’ ở giữa.
Nghịch lý kẻ nói dối cho thấy, có thể có quá nhiều ‘câu trả lời tốt’ cho các câu hỏi có hoặc không; nghịch lý sừng cho thấy có thể có những ‘khoảng trống’ hay ‘gián đoạn’ (gap), khi mà cả “có” và “không” đều không phải là câu trả lời đúng. Nhưng nghịc lý sorites cho thấy có thể có những khoảng trống xuất hiện rồi biến mất, với các khái niệm có ranh giới mờ nhạt.
Nhưng có bao nhiêu khái niệm có ranh giới mờ nhạt? Và các khái niệm mờ nhạt có theo dõi một thế giới mờ nhạt không?
Nghịch lý làm nổi bật những trục trặc trong các hoạt động thường ngày: Khẳng định sự thật, đặt câu hỏi và mô tả các đối tượng. Suy nghĩ cẩn thận về điều này chắc chắn là thú vị. Nhưng nghịch lý cũng khiến chúng ta nhạy cảm với việc liệu mọi câu hỏi ‘có vẻ’ hay ‘có đúng’ một câu trả lời hay không: Một số câu hỏi có nhiều hơn một câu trả lời, một số thì không.
Hình minh họa: Triết gia Hy Lạp cổ đại – Nghịch lý triết học. Ảnh Greeking