Apple đã phát hành iOS 17 vào ngày 18 tháng 9 năm 2023. Với hệ điều hành mới này, bạn có thể để ‘ví tiền’ của mình ở nhà!
Phiên bản iOS mới nhất nâng cao tính năng ví điện tử Apple Wallet (ví điện tử của Apple), bao gồm cách bạn thanh toán và có thể sử dụng iPhone để hiển thị ID (tương tự số căn cước công dân – do chính phủ cung cấp, biên tập) của mình, khiến ví vật lý gần như bị lỗi thời.
Nó cũng đánh dấu một bước tiến vững chắc của Apple hướng tới việc trở thành một loại ngân hàng (công ty Fintech). Giờ đây, công ty cung cấp thẻ Apple – một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao và ‘mua ngay không lãi suất – trả các khoản vay sau’ với ‘Apple Pay Later’, đã ra mắt vào đầu năm 2023.
Đây là gần một thập kỷ sau lần ra mắt đầu tiên của Apple Pay, cung cấp cho người dùng iPhone, iPad và Apple Watch khả năng mua sản phẩm trong cửa hàng chỉ với ‘một nút bấm’. Với bản cập nhật mới nhất, Apple tiếp tục khẳng định, điện thoại thông minh không chỉ dùng để gọi điện, nhắn tin và chụp ảnh – nó còn có thể xử lý mọi thứ liên quan đến tài chính của bạn.
Khi Apple Pay ra mắt vào năm 2014, nhiều người cho rằng nó đã cố gắng giải quyết một vấn đề không tồn tại. Thẻ tín dụng vốn đã dễ sử dụng, nên tính năng chạm để thanh toán thực sự không cần thiết.
Quẹt thẻ để thanh toán đã quá quen thuộc, nhưng sự phát triển công nghệ đã làm thay đổi tất cả: Mục đích của công nghệ chạm để thanh toán không chỉ là giải quyết vấn đề cho người tiêu dùng. Nó mang đến sự chi tiêu dễ dàng hơn và giúp các công ty công nghệ tài chính (Fintech) kiếm tiền từ các giao dịch trên ứng dụng di động.
Ngày nay, khả năng mua sắm chỉ bằng ‘một cú chạm điện thoại’ có ở khắp mọi nơi. Từ năm 2019 đến năm 2020, thanh toán không tiếp xúc đã tăng vọt ở mức ấn tượng 172%. Visa báo cáo rằng 1/3 số giao dịch thẻ trực tiếp tại Hoa Kỳ hiện đang áp dụng phương pháp một chạm trên điện thoại.
Tỷ lệ sử dụng thậm chí còn cao hơn ở các khu vực đô thị lớn: Ở New York, nơi thanh toán không tiếp xúc cho hệ thống tàu điện ngầm được giới thiệu vào năm 2021, phương thức thanh toán hiện chiếm gần một nửa tổng số giao dịch thực tế.
Apple cho biết hầu hết các nhà bán lẻ ở Mỹ đều chấp nhận Apple Pay và theo công ty nghiên cứu công nghệ 451 Research, Apple Pay là ví điện tử được sử dụng nhiều thứ 2 sau PayPal – khá ấn tượng khi nó gia nhập thị trường hơn một thập kỷ sau PayPal. Thanh toán một chạm trên điện thoại nói chung là một ngành công nghiệp trị giá 300 tỷ USD ở Mỹ và không có dấu hiệu chậm lại.
Khi thanh toán di động trở nên dễ tiếp cận hơn, hành động tiêu dùng trở nên vô hình hơn. Điều đó cũng có nghĩa là họ nhanh chóng trở thành những trọng tài quyền lực về cách bạn tiêu tiền – nó không phải đối mặt với những quy định nghiêm ngặt như ngân hàng.
Xem thêm: Ví Điện Tử Thay Đổi Cách Chúng Ta Thanh Toán Như Thế Nào?
Một cách chi tiêu mới
Điểm hấp dẫn nhất của thanh toán một chạm là tính thuận tiện, đây cũng có thể là vấn đề lớn nhất của nó. Các nghiên cứu cho thấy số tiền bạn sẽ chi tiêu tại một cửa hàng phụ thuộc vào cách bạn thanh toán.
Khi thẻ tín dụng vượt qua tiền mặt, nghiên cứu về thói quen của người tiêu dùng tiết lộ rằng, mọi người sẵn sàng chi tiền dưới dạng thẻ tín dụng nhiều hơn, dẫn đến việc mọi người mua hàng nhiều hơn.
Về mặt tâm lý, việc thanh toán bằng tiền mặt có thể gây khó khăn, vì có một sự trao đổi hữu hình đang diễn ra: Bạn có thể cảm thấy lãng phí khi tiêu tiền và suy nghĩ kỹ về số hàng hóa định mua.
Manoj Thomas, giáo sư tiếp thị tại Đại học Cornell, cho biết: “Khi chúng ta mất đi một thứ gì đó có giá trị, nó giống như một con sóc mất đi một quả hạch và sau đó cảm thấy tiếc nuối vì không còn một quả hạch nào nữa”.
Ví dụ, mô hình chi tiêu bằng thẻ ghi nợ gần giống với tín dụng hơn là tiền mặt. Nhưng ngay cả khi tiền được rút ngay lập tức khỏi tài khoản ngân hàng – khi sử dụng thẻ ghi nợ, bạn thực sự không thấy rằng, mình đang mất đi một “hạt” hữu hình, do đó bạn sẽ bớt đau khổ hơn khi chi tiêu.
Mặc dù ‘thanh toán một chạm’ vẫn còn khá mới, nhưng có bằng chứng cho thấy thanh toán bằng điện thoại thậm chí còn ‘ít đau đớn hơn’ so với sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng.
Một nghiên cứu năm 2019 đã cho thấy những người sử dụng thanh toán di động – không chỉ chạm vào điện thoại để thanh toán mà còn quét mã QR hoặc các phương thức thanh toán khác qua điện thoại – có “khả năng chấp nhận rủi ro tài chính” cao hơn và lạm dụng thẻ tín dụng, bao gồm cả việc thanh toán các khoản phí trễ hạn.
Một hậu quả khác của việc không sử dụng tiền mặt là khó nhớ thiệt hại hơn. Theo nghiên cứu của Đại học Warwick, những người sử dụng tiền mặt nhớ lại số tiền họ đã chi tiêu chính xác hơn những người sử dụng thẻ tín dụng hoặc thanh toán di động.
Giữa ghi nợ không tiếp xúc, ghi nợ được xác minh bằng mã PIN và thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc có tỷ lệ thu hồi tồi tệ nhất (thật thú vị, tín dụng và ghi nợ được xác minh bằng mã PIN dẫn đến khả năng thu hồi kém hơn so với thanh toán thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thanh toán một chạm trên điện thoại thông minh không tiếp xúc).
Nếu chỉ thẻ ghi nợ được liên kết với điện thoại của bạn, điều đó cũng đặt ra giới hạn chi tiêu khó khăn. Nhưng một khi bạn thêm thẻ tín dụng của mình vào tính năng chạm để thanh toán, bạn sẽ phải đối mặt với tất cả những cạm bẫy của việc ‘vuốt’ thẻ tín dụng.
Hơn nữa, một số hình thức mua hàng nhất định trở nên phổ biến hơn với thẻ tín dụng hoặc thanh toán di động. Thomas giải thích: “Điều tôi nhận thấy là mọi người chi nhiều tiền hơn cho đồ ăn nhẹ, đồ uống – những thứ thường được xem là mua sắm tùy ý”.
Sự ra đời của thẻ tín dụng đã giải quyết được vấn đề không có đủ tiền mặt vào lúc này, cho phép mọi người mua sắm nhiều hơn (mua trước trả sau – buy now pay later – BNPL).
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc mua sắm phải trả bằng tiền mặt, chẳng hạn, việc thanh toán số tiền quá nhỏ có thể không được chấp nhận qua thẻ tín dụng, các nhà phát hành yêu cầu một mức thanh toán tối thiểu. Do đó, việc mua một thanh kẹo cần phải có tiền mặt.
Nhưng bây giờ ngay cả sự phân biệt đó cũng đã mờ nhạt. Nhiều nhà bán lẻ đã chấp nhận việc sử dụng thẻ tín dụng (hoặc thậm chí không còn chấp nhận tiền mặt), một phần vì hiện nay rất nhiều khách hàng không muốn sử dụng tiền mặt. Với tính năng nhấn để thanh toán, các giao dịch mua hàng nhỏ hơn bằng thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến hơn.
Theo Mastercard, con số khổng lồ là 8 trong 10 khoản thanh toán không tiếp xúc vào đầu năm 2020 là dành cho các giao dịch mua dưới 25 USD, mà họ lưu ý là “thường bị chi phối bởi tiền mặt”.
Cục dự trữ liên bang (Fed) cũng phát hiện ra rằng, phương pháp thanh toán một chạm được sử dụng thường xuyên hơn với các giao dịch có giá trị thấp so với thẻ tín dụng – giá trị trung bình là 30 USD.
Người bán cũng có một lý do khác để áp dụng tính năng thanh toán một chạm: Khách hàng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn nếu họ không sử dụng tiền mặt.
Số tiền của một giao dịch mua trung bình có thể nhỏ hơn khi thanh toán một chạm nhưng tổng số giao dịch mua có thể tăng lên. Như Thomas đã nói, “các doanh nghiệp đang nhận ra rằng mọi người chi tiêu nhiều hơn khi họ sử dụng các phương thức thanh toán trừu tượng hơn”.
Xem thêm: Liệu Fintech Có Hoạt Động Hiệu Quả Hơn Ngân Hàng Không?
Các công ty công nghệ đang ra sức phát triển ví điện tử
Thanh toán một chạm là một dịch vụ tài chính rất cạnh tranh, bằng chứng là nhiều công ty công nghệ đang bước vào thị trường này.
Ngoài Apple Pay, Apple Card và Apple Pay Later, Apple còn có kế hoạch phát triển các nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) khác trong tương lai (theo báo cáo của Bloomberg năm 2022).
Mặc dù vẫn chưa rõ Apple Pay Later sẽ thành công như thế nào nhưng gã khổng lồ công nghệ này có lý do để lạc quan. Apple Pay được cho là cửa ngõ vào hệ sinh thái các tính năng công nghệ tài chính (Fintech) ngày càng phát triển và nó có vị trí dẫn đầu tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh Google Pay khi iPhone tiếp tục thống trị thị trường điện thoại thông minh.
Xem thêm: Câu Chuyện Khởi Nghiệp (Fintech): NiYO Nâng Cao Trải Nghiệm Dịch Vụ Của Ngân Hàng
Theo Insider Intelligence, hơn một nửa số người dùng điện thoại thông minh ở Mỹ đã chọn iPhone và hơn 55 triệu người ở Mỹ hiện sử dụng Apple Pay.
Từ việc kích hoạt Apple Pay – điều mà iPhone khuyến khích khách hàng mới thực hiện – đó là một bước nhảy vọt cho toàn bộ các dịch vụ hiện tại và tương lai khác – sẽ biến Apple trở thành ‘kho tiền’ cho quản lý tài chính cá nhân của bạn.
Như đồng nghiệp Sara Morrison của tôi đã báo cáo, iPhone đang trên đường trở thành ngân hàng của bạn.
Điện thoại của bạn không chỉ là nơi lưu trữ thông tin thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để thanh toán di động mà còn là nơi lưu trữ tài khoản tiết kiệm, thẻ lên máy bay, khóa và mật khẩu kỹ thuật số, thẻ tiêm chủng và thậm chí cả bằng lái xe.
Sự thúc đẩy công nghệ tài chính (Fintech) của Apple cũng diễn ra cùng với việc ra mắt dịch vụ đăng ký phần cứng, cho phép mọi người trả phí hàng tháng để thuê iPhone.
Hầu hết iPhone không được mua ngay mà thông qua chương trình đổi máy, gói trả góp hoặc các hình thức tài trợ khác, nhưng đăng ký đặc biệt lý tưởng cho những người có tín dụng không quá lớn. Tất cả những điều này khuyến khích mọi người chi tiêu – và làm như vậy thông qua Apple.
Apple cũng nổi tiếng với triết lý ‘thiết kế hợp lý hóa’ mọi khía cạnh của trải nghiệm người dùng, cho dù bằng cách loại bỏ các nút bấm – hay đơn giản hóa phần mềm để các chức năng trở nên dễ hiểu và trực quan khi sử dụng.
Chắc bạn còn nhớ, mọi người đã bất ngờ như thế nào khi Steve Jobs thể hiện khả năng chụm ngón tay của mình – zoom trên iPhone. Kiểu sử dụng dễ dàng này rất tuyệt vời khi kiểm tra hộp thư thoại hoặc duyệt album ảnh, nhưng có thể trở thành vấn đề khi phải tiêu tiền, điều mà các công ty như Apple muốn chúng ta làm.
Sử dụng Apple Pay khá đơn giản, chỉ cần nhấp đúp vào ‘nút bên cạnh’ của Iphone và nhìn vào màn hình để FaceID xác nhận giao dịch mua hàng của bạn.
Với Apple Watch, bạn thậm chí có thể sử dụng cử chỉ tay đơn giản – chạm để thanh toán.
Sự sẵn có và dễ sử dụng của Apple Pay đã thực sự mang lại lợi ích cho gã khổng lồ công nghệ: Các nhà phân tích ước tính công ty đã kiếm được khoảng 1,9 tỷ USD vào năm 2022 phí giao dịch Apple Pay từ các tổ chức phát hành thẻ tín dụng.
Đó là một con số khá lớn. Trong một báo cáo được công bố gần đây, Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB) đã cảnh báo Apple có hành vi chặn các nhà phát triển bên thứ 3 truy cập vào chip NFC của họ, công nghệ cho phép chạm để thanh toán trên điện thoại thông minh.
Apple đảm bảo rằng mọi chủ sở hữu iPhone muốn sử dụng thanh toán không tiếp xúc đều phải thông qua dịch vụ thanh toán của Apple và CFPB cho rằng về cơ bản đây là một hình thức quy định mà Apple đang áp đặt lên các công ty khác.
Người phát ngôn của CFPB nói với Vox: “Chúng tôi chỉ nghĩ rằng điều này sẽ trở nên quan trọng hơn trong tương lai, vì sự chuyển đổi từ tiền mặt, thẻ sang thiết bị di động ước tính sẽ tăng lên”.
Việc thiếu sự cạnh tranh sẽ có hại cho người tiêu dùng, dẫn đến có ít sự lựa chọn hơn và chi phí có thể cao hơn cho người tiêu dùng.
Ngành công nghệ tài chính (Fintech) – đặc biệt với các chương trình ‘mua trước trả sau’ (buy now pay later, BNPL, một hình thức trả góp) – đã thu hút khách hàng bằng những hứa hẹn về sự thuận tiện, khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn và lãi suất thấp hơn so với tài chính truyền thống.
Công nghệ tài chính (Fintech) làm tăng mức độ phụ thuộc của người tiêu dùng vào tín dụng và các khoản vay nhiều hơn. Việc chuyển sang ‘mua trước trả sau’ (buy now pay later, BNPL) đặc biệt nên được xem xét kỹ lưỡng, vì việc dễ dàng phân bổ các khoản thanh toán cũng thu hút chi tiêu, làm tăng đáng kể doanh số bán hàng của một số nhà bán lẻ trong những năm gần đây.
Theo báo cáo của CFPB, chỉ 5 công ty ‘mua trước trả sau’ (buy now pay later, BNPL) đã cho vay 24 tỷ USD vào năm 2021, mức bùng nổ hơn 1.000% so với năm 2019. Trong khi đó, nợ thẻ tín dụng đạt mức cao lịch sử vào mùa hè này, lên tới 1 nghìn tỷ USD.
Bruce McClary, phó chủ tịch tiếp thị của Quỹ tư vấn tín dụng quốc gia, cho biết: “Gần đây mọi người đã chi tiêu nhiều hơn. Họ đã sử dụng thẻ tín dụng thường xuyên hơn cho những thứ mà lẽ ra họ phải trả bằng tiền mặt vài năm trước”.
Và họ không chỉ mang số dư cao hơn. Tỷ lệ quá hạn đối với thẻ tín dụng đã trở lại mức trước đại dịch. Với việc thanh toán các khoản vay dành cho sinh viên sẽ được tiếp tục vào mùa thu này, đây là những dấu hiệu đáng lo ngại.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào tín dụng khiến các gã khổng lồ công nghệ tham gia vào lĩnh vực Fintech – càng có nhiều khả năng sẽ hấp dẫn người tiêu dùng, ngay cả khi việc sử dụng các sản phẩm tài chính này không mang lại lợi ích tốt nhất cho họ.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook tuyên bố rằng họ ‘giúp mọi người sống tốt hơn’ thông qua Apple Pay và Apple Card, đồng thời trích dẫn rằng Apple Card không có phí thường niên và tài khoản tiết kiệm của nó có lãi suất cao.
Nhưng ngay cả khi họ muốn khẳng định mình là một ngân hàng hoặc cố vấn tài chính đáng tin cậy hơn những gì chúng ta vẫn quen thuộc, thì thực tế Apple là một công ty công nghệ, không phải một ngân hàng.
Các ngân hàng là các tổ chức tài chính được quản lý, trong khi các công ty công nghệ lớn lại không được quản lý. Họ không có nghĩa vụ ủy thác đối với khách hàng.
Người phát ngôn của CFPB cho biết: “Có sự mờ nhạt giữa ranh giới giữa ngân hàng và công nghệ tài chính – bản thân điều đó rất đáng lo ngại”.
Tác giả: AW Ohlheiser
Nguồn: Whizy Kim – vox.com – Mỹ