Airbnb Và OYO: Tìm Hiểu 2 Mô Hình Kinh Doanh Du Lịch

Tìm hiểu về mô hình kinh doanh của Airbnb và OYO. Airbnb là mô hình kinh tế chia sẻ, trong khi OYO là nhượng quyền thương hiệu theo tiêu chuẩn

OYO và Airbnb. Ảnh Startuptalky

Tác giả: Abhishek Gupta

Kinh doanh khách sạn là một trong những ngành kinh doanh bền vững. Một chàng trai Ấn Độ 22 tuổi tên là Ritesh Agarwal đã khởi nghiệp với OYO – gã khổng lồ trong ngành du lịch trực tuyến (công nghệ du lịch – ứng dụng tìm kiếm khách sạn và nhiều thứ khác).

Hiện trạng ngành khách sạn và du lịch

Ngành du lịch và khách sạn ở Ấn Độ là một trong những động lực tăng trưởng chính của lĩnh vực dịch vụ. Ngành du lịch ở Ấn Độ có tiềm năng đáng kể vì nó có nền văn hóa đa dạng, di sản lịch sử, hệ sinh thái và hệ động thực vật phong phú.

Ấn Độ được biết đến với sự đa dạng về địa lý, những bãi biển hấp dẫn dọc theo bờ biển, 27 di sản thế giới, 10 khu địa sinh học, 80 công viên quốc gia và hơn 441 khu bảo tồn thiên nhiên.

Theo báo cáo, hơn 39 triệu việc làm đã được tạo ra trong lĩnh vực du lịch, tương đương với hơn 8% tổng số việc làm ở Ấn Độ. Đến năm 2029, ngành du lịch dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 6,7%, đạt 488 tỷ USD, chiếm 9,2% GDP.

Theo Liên đoàn hiệp hội nhà hàng và khách sạn Ấn Độ (FHRAI), ngành khách sạn Ấn Độ đã thiệt hại khoảng 17,82 tỷ USD (doanh thu) do đại dịch Covid-19. Mặc dù bị ảnh hưởng, ngành du lịch đang từng bước phục hồi.

OYOAirbnb bằng nhiều cách đã giúp ngành du lịch và lưu trú tại Ấn Độ phát triển.

OYO và Airbnb – Kinh nghiệm trong ngành

Ritesh Agarwal, người sáng lập OYO, đã xây dựng chuỗi khách sạn cho thuê và nhượng quyền nổi tiếng nhất Ấn Độ. Người Ấn Độ thường xem đây là nơi tìm kiếm khách sạn với những ưu đãi tốt nhất, The OYO Rooms.

The OYO Rooms hiện đã mở rộng trên toàn cầu với hàng nghìn khách sạn và nhà nghỉ dưỡng. OYO Rooms được thành lập vào năm 2013.

Ritesh là tỷ phú trẻ tự thân thứ 2 trên thế giới.

Người sáng lập Airbnb

Airbnb được hình thành cách đây nhiều năm bởi 2 người bạn cùng phòng, thuê một chiếc nệm hơi trong phòng khách của họ. Điều này đã biến toàn bộ căn hộ của họ thành một nhà nghỉ – chỉ phục vụ bữa sáng. Nó được thực hiện để duy trì cuộc sống đắt đỏ ở San Francisco. Airbnb được thành lập vào năm 2008.

Cả hai công ty đều có chung một mục tiêu là cung cấp chỗ ở, an toàn và thoải mái cho mọi người. Tuy nhiên, cả hai công ty đều có mô hình kinh doanh và hoạt động khác nhau.

OYO thường được gọi là ‘Airbnb phiên bản Ấn Độ’.

OYO là một trang web giúp tìm kiếm khách sạn. OYO là thị trường chỉ dành cho khách sạn. Mô hình của nó khác với Airbnb.

Airbnb là một nền tảng giúp khách du lịch tìm được nơi ở phù hợp với mình. Nó có thể là chỗ ở, thường là phòng trọ, nhà người dân có phòng cho thuê. Airbnb cũng cho phép ‘người cho thuê xác định giá phòng’.

OYO và Airbnb – Nơi lưu trú

OYO liên kết với các khách sạn, chuẩn hóa phòng theo tiêu chuẩn của OYO, sau đó liệt kê các khách sạn trên trang web của mình với mức giá cạnh tranh (hoặc giảm giá lớn). Mô hình kinh doanh của OYO cũng bao gồm mua lại các khách sạn, chuẩn hóa mô hình hoạt động và niêm yết trên website của họ.

Airbnb dựa trên nền kinh tế chia sẻ. Nó là nền tảng giúp chủ sở hữu nhà có phòng cho thuê và khách du lịch có nhu cầu thuê phòng gặp nhau. Airbnb là một trong những điển hình thành công nhất của mô hình kinh tế chia sẻ.

OYO và Airbnb – Thời gian lưu trú

OYO cung cấp dịch vụ lưu trú tại khách sạn nên mỗi cá nhân có thể ở đó trong một khoảng thời gian dài. OYO không có quy định cụ thể thời gian lưu trú. Trong khi, Airbnb có quy định 90 ngày. Quy tắc này được đưa ra vào năm 2017 và chỉ áp dụng tại London.

OYO có 5.855 khách sạn trong mạng lưới của mình vào năm 2016 với hơn 68 nghìn phòng. Nếu so sánh với ngày nay, nó có danh mục hơn 35 nghìn khách sạn và 125 nghìn nhà nghỉ dưỡng. Nó có hơn 1,2 triệu phòng trên 80 quốc gia và 800 thành phố.

Tuy nhiên, người sáng lập và giám đốc điều hành của OYO – Ritesh Agarwal đã đưa ra thông báo vào năm 2017 rằng, công ty đã phát triển mô hình kinh doanh OYO sang nhượng quyền, quản lý hoặc vận hành 100%.

Ritesh cũng nói rằng OYO sẽ không tập trung vào lĩnh vực khách sạn nữa và sẽ chuyển sang hướng trở thành một công ty khách sạn quy mô toàn diện, sự thay đổi mô hình kinh doanh sẽ giúp giảm chi phí hoạt động và cải thiện chất lượng dịch vụ.

OYO và Airbnb – Mô hình kinh doanh

OYO đã thay đổi mô hình kinh doanh sang mô hình nhượng quyền vào năm 2017. Mô hình này liên quan đến việc hợp tác với nhiều khách sạn và yêu cầu họ hoạt động dưới hình thức nhượng quyền thương mại (thương hiệu OYO – theo tiêu chuẩn của OYO, biên tập) – sau đó cho thuê phòng với giá cạnh tranh.

Airbnb, được biết đến vì không sở hữu bất kỳ phòng cho thuê nào. Tất cả những gì Airbnb làm là cung cấp một nền tảng. Một nền tảng mà trên đó tất cả mọi người có thể cho thuê phòng (nhà) mà họ sở hữu hoặc nhường phòng cho khách. Giá thuê do chính chủ sở hữu ấn định, nhưng Airbnd đã can thiệp vào việc thu tiền.

Mô hình kinh doanh của Airbnb là một thị trường đa diện, kết nối tất cả khách du lịch với chủ nhà và ‘nhà cung cấp trải nghiệm’. Công ty kiếm tiền từ các khoản phí đến từ việc đặt chỗ ở và trải nghiệm. Mô hình của Airbnb có tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân.

Airbnb có mô hình kinh doanh tốt hơn về sự thoải mái và khả năng tiếp cận của khách hàng.

Mô hình kinh doanh của Airbnb khá đơn giản nhưng rất sáng tạo và thường được mệnh danh là trang web du lịch phát triển nhanh nhất thế giới.

OYO và Airbnb – Mô hình doanh thu

OYO tính phí khoảng 22% hoa hồng. Số tiền này chủ khách sạn phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, hoa hồng có thể thay đổi tùy theo dịch vụ và tính năng được cung cấp. OYO cũng tính phí hoa hồng trên phí đặt phòng tùy theo dịch vụ.

Nguồn thu của Airbnb cũng thông qua hoa hồng. Nó tính phí hoa hồng 3% cho mỗi lần đặt phòng từ chủ nhà và từ 6 – 12% từ khách. Không giống như OYO, Airbnb nhận đánh giá và phản hồi từ cả 2 phía – cả chủ nhà và khách thuê.

OYO và Airbnb – Quản lý quan hệ khách hàng (CRM)

Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) là một công cụ cho phép công ty lưu trữ thông tin liên hệ của khách hàng và khách hàng tiềm năng. Nó cũng giúp công ty xác định các cơ hội bán hàng, ghi lại các vấn đề về dịch vụ và quản lý các chiến dịch marketing.

Tùy thuộc vào loại CRM, họ có thể lấy thông tin cơ bản về khách hàng tiềm năng và tương tác với họ. CRM giúp công ty phân tích và hiểu khách hàng tốt hơn, điều này sẽ giúp họ cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn. Airbnb và OYO có các chiến lược CRM rất khác nhau.

CRM của OYO

CRM mà OYO sử dụng là Blueshifts Programmatic CRM – giúp tương tác 1-1 với khách hàng trên tất cả các kênh marketing.

Với các đề xuất chính xác và kích hoạt có mục tiêu của Blueshift, OYO đã có thể đạt được lượng đặt phòng cao hơn gấp 5 lần từ các kênh email và điện thoại di động. OYO cũng áp dụng phương pháp tiếp cận ưu tiên thiết bị di động, điều này đã giúp công ty mở rộng tại hơn 500 thành phố trên 10 quốc gia.

CRM của Airbnb

CRM mà Airbnb sử dụng là Twilio, giúp kết nối với chủ nhà. Cách thức hoạt động là khi khách du lịch đặt chỗ qua Airbnb, chủ nhà có 32 giờ để phản hồi yêu cầu đặt phòng và điều này có thể thực hiện được nhờ CRM phân hệ chủ nhà.

Chủ nhà và khách du lịch có thể liên hệ thông qua cửa sổ trò chuyện trong Twilio CRM. Chủ nhà cũng có thể quyết định xem họ muốn chấp nhận hay từ chối khách hàng.

Airbnb cũng sử dụng hệ thống quản lý phương tiện truyền thông xã hội HootSuite, giúp họ theo dõi sự tăng trưởng của những người quan tâm trên mạng xã hội. Hệ thống này cũng giúp Airbnb tìm ra những ‘từ khóa’ nhất định được sử dụng trong các chiến dịch marketing của họ.

OYO và Airbnb – Chiến lược tiếp thị

Chiến lược tiếp thị của OYO

OYO sử dụng phương pháp marketing 360 độ, nó bao gồm marketing digital và marketing truyền thống.

Họ cũng có chiến lược mô hình ‘phòng độc đáo’ giúp thu hút nhiều khách hàng hơn với giá phòng thấp hơn – so với giá cơ bản của khách sạn.

Bên cạnh đó OYO đã thực hiện nhiều chiến dịch tiếp thị đa phương tiện thành công như #AurKyaChahiye.

Nó cũng chia sẻ các bài đăng dựa trên vị trí, bài đăng quảng cáo, giúp mọi người duyệt qua các điểm đến để đi du lịch, kiểm tra các ưu đãi và giảm giá mới cũng như khuyến khích họ đặt phòng trên OYO.

Chiến lược tiếp thị của Airbnb

Airbnb sử dụng phương pháp tiếp thị để xây dựng và duy trì một cộng đồng vững mạnh giữa những người dùng. Nó cũng chủ yếu nhắm đến lòng trung thành lâu dài của cả khách và chủ nhà.

Chiến lược tiếp thị chính của Airbnb là đưa doanh nghiệp đến với khách hàng tiềm năng và biến họ thành khách đặt phòng.

Những khách hàng trước đây thích lưu trú tại các địa điểm trên Airbnb sẽ nhận được email khuyến khích họ đăng trải nghiệm lưu trú của mình.

Airbnb Ấn Độ đặt mục tiêu làm cho khách hàng cảm thấy được chào đón.

OYO và Airbnb – Truyền thông xã hội

OYO trên mạng xã hội

Trong những năm qua, công ty đã tận dụng sức mạnh của truyền thông mạng xã hội để có thể giữ được thứ hạng và dẫn trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

OYO hiện có hơn 169k người theo dõi trên Instagram và 65,4k người theo dõi trên Twitter, với nam diễn viên Sonu Sood là đại sứ thương hiệu hiện tại của họ. Trên tất cả các nền tảng truyền thông xã hội, công ty tự quảng bá mình là một thương hiệu cung cấp 2 loại dịch vụ – quảng bá không gian du lịch và an toàn để dành thời gian với những người thân yêu trong chính thành phố của bạn.

OYO cũng tải lên nhiều chiến dịch quảng cáo như ‘Fir Badhega India’ và ‘Sanitised Stays’ để giúp thu hút khách hàng, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.

Airbnb trên mạng xã hội

Airbnb có cách tiếp cận khác đối với hoạt động marketing trên mạng xã hội vì nó phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược tạo ra nhận thức.

Công ty cũng sử dụng những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực du lịch để quảng bá nền tảng, vì phương tiện truyền thông xã hội của họ phụ thuộc vào nội dung do người dùng tạo (UGC).

Cho đến nay công ty đã có hơn 4,9 triệu người theo dõi trên Instagram và 733 nghìn người theo dõi trên Twitter. Nó cũng có hơn 6,3 triệu bức ảnh sử dụng #airbnb trên Instagram, cho chúng ta thấy mức độ phổ biến của Airbnb.

Airbnb cũng đầu tư rất nhiều vào marketing dựa trên video như một phần để kể câu chuyện thương hiệu của mình. Airbnb hiện có hơn 500 video tạo ra hơn 100 triệu lượt xem trên YouTube.

Kết luận

Tóm lại, Airbnb và OYO có cùng loại dịch vụ, tức là dịch vụ tìm kiếm khách sạn và phòng ở. Trong đó, Airbnb là một trang web để mọi người liệt kê, tìm và thuê chỗ ở (phòng và nhà) trong khi OYO là chuỗi khách sạn bình dân và cao cấp – hợp tác với các khách sạn khác nhau.

OYO tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm của khách hàng trong phạm vi ngân sách quy định, trong khi Airbnb không kiểm soát trải nghiệm của khách hàng như vậy.

Câu hỏi thường gặp

Sự khác biệt giữa Airbnb và OYO là gì?

OYO có nhiều phòng khách sạn hơn trong khi Airbnb có nhiều phòng ở hơn. Ở Airbnb, ‘căn hộ có thể đã bị hiểu sai’, còn OYO thì không như vậy vì việc kiểm tra được thực hiện hàng tuần (tiêu chuẩn của OYO).

Phòng OYO có giống với Airbnb không?

Mô hình kinh doanh của OYO tương tự như mô hình kinh doanh của Airbnb, họ là công cụ tổng hợp trực tuyến các khách sạn bình dân. Việc đặt các phòng này sẽ được thực hiện thông qua trang web và ứng dụng di động OYO Rooms. Tuy nhiên, trọng tâm chính luôn là chất lượng dịch vụ được cung cấp.

OYO có thành công không?

OYO Rooms là một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất ở Ấn Độ và là chuỗi khách sạn bình dân lớn nhất đất nước. Nó tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa các khách sạn – phần lớn là khách sạn không có thương hiệu.

Airbnb có tốt hơn OYO không?

OYO tốt hơn về quyền riêng tư và bảo mật. OYO đảm bảo chất lượng dịch vụ trong khi Airbnb không đảm bảo bất cứ điều gì từ phía họ – tùy thuộc vào chất lượng phòng và dịch vụ của chủ nhà.

Hình minh họa: OYO và Airbnb. Ảnh: Startuptalky

Nguồn: Abhishek Gupta – startuptalky.com – Ấn Độ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang