Nguồn tin Iran cho biết: Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á (Asia Clearing Union), bao gồm 9 quốc gia, đã đồng ý ra mắt Hệ thống nhắn tin tài chính mới vào tháng 6 năm 2023 để thay thế hệ thống SWIFT.
Mohsen Kerimi đã công bố điều này vào ngày hôm qua bên lề cuộc họp lần thứ 51 của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á, được tổ chức tại Ngân hàng trung ương Iran, đồng thời nói với các phóng viên rằng, các nước Châu Á, bao gồm cả các nước Ả Rập như Syria, có thể đăng ký làm thành viên của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á.
Về việc ra mắt “SWIFT” Châu Á nội bộ giữa các thành viên của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á, Kerimi cho biết: “Kể từ năm 2022, Iran đã phát triển một hệ thống nhắn tin đặc biệt để trao đổi thông điệp ngân hàng giữa các thành viên của Liên minh và bây giờ đang dần dần thay thế SWIFT.
Theo dự kiến, hệ thống nhắn tin tài chính thay thế SWIFT có thể sẽ được tung ra giữa các thành viên của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á trong tháng tới. Người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế của Ngân hàng trung ương cũng đã nói về khả năng của hệ thống nhắn tin mới.
Nó chỉ dành cho các quốc gia thành viên của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á và giao tiếp giữa họ với nhau, tuy nhiên, có thể đáp ứng 100% nhu cầu của họ và thay thế hoàn toàn SWIFT.
Điều này sẽ giảm đáng kể toàn bộ chi phí trao đổi thông tin tài chính và thanh toán giữa những người tham gia. Ngân hàng trung ương Iran sẽ có một ban thư ký thường trực cho Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á và giai đoạn hoạt động của hệ thống thay thế sẽ bắt đầu trong vòng 1 hoặc 2 tháng tới.
Kerimi cũng đã xác định việc sử dụng tiền kỹ thuật số của các quốc gia thành viên của Liên minh thanh toán bù trù Châu Á: Tại cuộc họp, họ đã quyết định ra mắt hệ thống nhắn tin liên ngân hàng, sự chú ý đặc biệt tập trung vào việc sử dụng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương của các thành viên liên minh.
Việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số liên tục được xem xét và nghiên cứu, và người ta đã quyết định rằng, một phần trao đổi thương mại của các thành viên sẽ được thực hiện bằng các loại tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (của các quốc gia thuộc liên minh được đề cập).
11% thị phần của Liên minh thanh toán bù trù Châu Á trên thị trường tiền tệ toàn cầu
Ông Mohammad Reza Farzin, thống đốc Ngân hàng trung ương Iran cũng nói về vai trò chiến lược quan trọng của Liên minh trong nền kinh tế toàn cầu và cho biết thêm, theo thông tin mới nhất từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các nước thành viên của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á chiếm khoảng 11% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới tính theo sức mua tương đương.
Người ta ước tính rằng với khả năng bổ sung các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Belarus vào Liên minh, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 29%. Về dân số toàn cầu, hơn 25% dân số thế giới sống ở các quốc gia thành viên của Liên minh và với việc bổ sung Trung Quốc, Nga và Belarus, tỷ lệ này sẽ vượt quá 45%.
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng thế giới (WB), tỷ trọng của các quốc gia thuộc Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á trong tổng thương mại thế giới là khoảng 3,5%.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran giải thích rằng, mục tiêu chính của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á, bắt đầu hoạt động vào năm 1974, là phi đô la hóa trao đổi tài chính, giới thiệu việc sử dụng đồng nội tệ để tăng cường hoạt động trao đổi giữa 9 quốc gia thành viên. Hầu hết các nước thành viên của Liên minh đều có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Ngoài ra, lục địa Châu Á, với tư cách là lục địa lớn nhất thế giới, với hơn 60% dân số thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất và sẵn sàng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc định hình nền kinh tế của tương lai. Tăng trưởng kinh tế chung của lục địa Châu Á năm ngoái lên tới 4,6%, tương đương 70% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo thống đốc Ngân hàng trung ương Iran, có một tầm nhìn rõ ràng về công việc tương lai của Liên minh, dựa trên những điều sau: Kết nạp các thành viên mới vào liên minh, dựa trên trên các nguyên tắc về sức mạnh tổng hợp, tiếp nhận các ý tưởng mới và trao đổi quan điểm, cũng như tạo ra giá trị gia tăng mới cho Liên minh.
Theo quan chức này, tất cả những nguyên tắc này sẽ nhằm tăng cường mối quan hệ trong Liên minh. Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran nói thêm, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư ngoại hối của Liên minh thông qua việc sử dụng đồng nội tệ của các nước thành viên và các đồng tiền các quốc gia khác có thể góp phần ‘khử đô la hóa’ trên các sàn giao dịch thương mại.
Tất cả những ý tưởng này có thể yêu cầu sửa đổi các điều khoản của điều lệ Liên minh, những điều chính đã được xem xét và thông qua tại các cuộc họp của ủy ban kỹ thuật của tổ chức. Nếu được ban giám đốc của Liên minh chấp thuận, những thay đổi được đề cập có thể góp phần hiệu quả vào việc củng cố tổ chức.
Mohammad Reza Farzin nói thêm rằng, kể từ năm 2022, với việc bổ nhiệm Tổng thư ký mới của Liên minh, các bước hiệu quả và hữu ích đã được thực hiện để cải thiện công việc của Liên minh.
Trong số đó có những đề xuất quan trọng về sửa đổi điều lệ của Liên minh và đàm phán với hơn 20 quốc gia ở các khu vực khác nhau trên thế giới nhằm mục đích gia nhập Liên minh. Chẳng hạn, sau nhiều trao đổi với Ngân hàng trung ương Belarus, họ đã chính thức bày tỏ mong muốn gia nhập Liên minh.
Giá trị ngoại thương của Iran tăng 18%
Đề cập đến đặc điểm tài chính và thương mại của nền kinh tế Iran, thống đốc Ngân hàng trung ương Iran cũng nhấn mạnh: “Mặc dù nền kinh tế Iran đã phải chịu lệnh trừng phạt của các nước phương Tây trong nhiều thập kỷ và những lệnh trừng phạt này đã được tăng cường hơn nữa trong thời gian gần đây, và nhắm mục tiêu vào lĩnh vực tiền tệ và tài chính của đất nước. Nhưng bất chấp điều này, kinh tế Iran vẫn có thể tiếp tục phát triển hệ thống tài chính rộng lớn và năng động, dựa vào năng lực trong nước và hợp tác với các quốc gia trong khu vực”.
Đề cập đến tiềm năng của kinh tế Iran, Farzin lưu ý rằng trong lĩnh vực ngoại thương, theo ước tính sơ bộ, tổng giá trị thương mại hàng hóa (hải quan) của Iran với thế giới bên ngoài vào năm 2022 sẽ là 160 tỷ Euro, nghĩa là tăng khoảng 18,1% so với năm 2021.
Ngoài ra, Iran đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và nhập khẩu hàng hóa từ 121 quốc gia trên thế giới. Như vậy, khối lượng thương mại lớn không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ và sự đa dạng của các bên đã tạo ra một lĩnh vực phù hợp cho sự phát triển của khu vực và quốc tế.
Iran với tư cách là chủ tịch Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á
Cần lưu ý rằng cuộc họp lần thứ 51 của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á, được thảo luận trong báo cáo của chúng tôi, đã bắt đầu với sự có mặt của phó chủ tịch thứ nhất và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước thành viên, và các thành viên của ban giám sát, bao gồm cả thống đốc của Ngân hàng trung ương Nga, phó thống đốc Ngân hàng trung ương Belarus và Afghanistan, cũng như đại diện của Ngân hàng phát triển Hồi giáo thuộc Ngân hàng Trung ương Iran.
Cần nhắc lại rằng các quốc gia tạo nên Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á – một tổ chức không phải lúc nào cũng được các chuyên gia về kinh tế thế giới nhắc đến – là Iran, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Bhutan và Maldives, với Ấn Độ xếp thứ 5 trong nền kinh tế toàn cầu.
Và Mohammad Reza Farzin khi bắt đầu cuộc họp đã nói rằng, ngoài sự hiện diện của tất cả các quốc gia – thành viên thường trực, còn có thêm 4 ‘khách mới’ – đến từ Nga, Belarus, Afghanistan, cũng như đại diện của IDB (IDB, Ngân hàng phát triển Hồi giáo).
Mohammad Mohbar, Phó tổng thống thứ nhất của Iran, người có mặt tại cuộc họp của Liên minh thanh toán bù trừ Châu Á, nhắc lại rằng, Iran vào năm 2022 được công nhận là nền kinh tế thứ 22 trên thế giới xét theo sức mua tương đương, với 1.600 tỷ USD. Ngoài ra, thứ hạng của Iran về công nghệ đã tăng từ hạng 106 năm 2015 lên 60 vào năm 2020.
Về vấn đề này, chúng ta có thể nói thêm rằng, Iran đứng thứ 5 trên thế giới về trữ lượng tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Ngoài ra, trong lĩnh vực thương mại điện tử và sự dịch chuyển của các doanh nghiệp truyền thống sang không gian kỹ thuật số, cả nước đã đạt mức tăng trưởng 94% trong 3 năm qua.
Cần đặc biệt lưu ý rằng, đây là 3 năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Iran nói riêng, vì chúng rơi vào những năm xảy ra đại dịch COVID-19.
Bên lề cuộc họp này, phó tổng thống thứ nhất của Iran, trong các cuộc đàm phán với người đứng đầu Ngân hàng trung ương Nga, đã tập trung vào việc loại bỏ đồng đô la khỏi trao đổi thương mại Nga – Iran.
Nguồn: Biên tập – kayhan.ir – Iran